HĐ Đơn vị sự nghiệp

TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “ KHUÔN BÁNH DÂN GIAN NAM BỘ”

14/10/2020 05:07

Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 -20/10/2020), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức trưng bày chuyên đề “Khuôn bánh dân gian Nam Bộ” giới thiệu đến công chúng một phần của bộ sưu tập khuôn bánh mà bảo tàng đã sưu tầm trong các năm vừa qua.

Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng tham quan phòng trưng bày

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng đón tiếp bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá và Thể thao, bà Trần Liên Diệp-Vụ Phó Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội. Lãnh đạo thành phố tham dự có bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Thế Thuận - Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, ông Huỳnh Thanh Nhân - Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Nội Vụ, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, lãnh đạo các đơn vị kết nghĩa, công tác viên, các nhà sưu tập các địa phương về tham dự. Đặc biệt có sự tham dự các Lãnh sự Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh: bà Ratiwan Boonprakong-Giám đốc Tổng Cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam, bà Wirattinee Vatannyootawewat và bà Daroonrat Thanguksorn. Thay mặt Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam đến tham dự bà Betsy Nathaly Suarez Caceres – Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam.

Trưng bày chuyên đề giới thiệu hơn 200 khuôn bánh gỗ và kim loại với nhiều kích cỡ khác nhau, đa dạng về hoa văn và hiệu đề của những lò bánh xưa tại Tây Nam bộ vào thế kỷ 19-20, mang đậm bản sắc văn hóa Việt với những họa tiết về thiên nhiên, chữ viết phúc, thọ, hình chim, cá chép và hoa cúc, hoa mai, hoa hồng, lá liễu … ẩn chứa những câu chuyện phong tục dân gian và để diễn tả một điều gì đó trong cuộc sống về nhân, trí, tín, lễ, nghĩa, tượng trưng cho những lời chúc tốt đẹp, sự thịnh vượng cát lành. Đó cũng là cách để người xưa hàm ý bày tỏ niềm hy vọng, ước mong vào những ngày tết, ngày hội…. Vì vậy, có vô số những câu chuyện chung quanh chiếc khuôn bánh được truyền miệng qua nhiều thế hệ về công dụng và cách thức thực hiện một loại bánh cùng những phong tục tập quán của mỗi nếp nhà trong ngày giỗ, ngày đám cưới của con cháu trong gia đình. Điều làm nên câu chuyện đầy ý nghĩa chính là qua những khuôn bánh xưa, người xem có thể cảm nhận rất sâu lắng và chân thật về hình ảnh của những người bà, người mẹ, người chị trong không gian bếp với tiếng cười nói của việc nấu bánh, với công lao dưỡng dục con trẻ nên người hữu ích như câu chuyện về những chiếc khuôn bánh bèo của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ẩn của xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh được làm từ “trái sáng” – một loại pháo đế quốc Mỹ thả xuống Củ Chi năm 1955. Chồng của mẹ đã tái chế thành khuôn bánh cho mẹ làm kế sinh nhai và ngụy trang để làm liên lạc cho cách mạng.

Bộ sưu tập khuôn bánh dân gian Nam bộ và những câu chuyện xung quanh chiếc khuôn bánh luôn là nguồn tư liệu đáng để tham khảo. Qua những chiếc khuôn bánh, sẽ thấy được bản sắc văn hóa của vùng miền cùng những câu chuyện về cuộc đời con người, về làng quê, về các món bánh huyền thoại, về sự khéo léo, tỉ mỉ, cần cù của những nghệ nhân, chợt hiển hiện ra trí tuệ và tâm hồn của tổ tiên cùng phong tục đẹp về lối sống trong cộng đồng. Và đó cũng chính là nét đẹp bản sắc văn hóa Việt mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang góp phần trao truyền những thông điệp ấy đến thế hệ trẻ hôm nay. 

   

Khuôn bánh in gỗ, dài 26cm, cao 5cm, rộng 9,5cm, niên đại thế kỷ 20   

 

  Khuôn bánh in chạm hình cá và sóng nước, cao: 1,5cm, đường kính: 14,5cm, niên đại TK 20

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6046134