Gia đình

Tài liệu tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam (phần 1)

21/08/2012 04:47

Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đất nước đang được chứng kiến những tăng trưởng vượt bậc về mặt kinh tế- xã hội. Trong bối cảnh đó, người phụ nữ Việt Nam vừa tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống đạo đức quý báu, tốt đẹp mà các thế hệ trước để lại, mặt khác không ngừng hình thành, phát triển những phẩm chất tiên tiến phù hợp với các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường và thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã và đang tạo ra không ít tác động tiêu cực đối với việc giữ gìn, phát huy những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Đánh giá về những khó khăn, thách thức đối với phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã chỉ rõ: “Phụ nữ gặp nhiều khó khăn thách thức khi thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên của con người trong điều kiện xã hội và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ”.
Thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010-2015) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/3/2010 theo Quyết định số 343/QĐ-TTg (sau đây gọi là Đề án 343 PN), Ban Điều hành Đề án 343 PN phối hợp với đội ngũ chuyên gia tại Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn tài liệu Phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là tài liệu nguồn phục vụ cho việc triển khai nội dung tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của 4 Tiểu đề án thuộc Đề án 343 PN, nhằm cung cấp những nội dung kiến thức cơ bản về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với bối cảnh hội nhập và phát triển cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, phóng viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên của các Bộ/ngành tham gia Đề án: Giáo dục và Đào tạo; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên; Tổng Liên đoàn Lao động.
Để đạt được mục tiêu trên, cuốn tài liệu được kết cấu gồm 3 phần:
Phần 1: Những vấn đề đặt ra và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc giữ gìn và phát triển phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Nội dung của phần này tập trung giới thiệu khái quát đặc điểm thời kì CNH, HĐH và những tác động, ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới phẩm chất đạo đức phụ nữ; quan điểm của Đảng ta và Bác Hồ về việc giữ gìn và phát triển phẩm chất, đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nhiệm vụ cơ bản nhằm giữ gìn và phát huy phẩm chất, đạo đức năng lực của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đất nước.
Phần 2: Những phẩm chất đạo đức phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Nội dung của phần này tập trung nêu căn cứ hình thành và nội dung của những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, bao gồm: Đảm đang trong gia đình và xã hội, yêu nước chống giặc ngoại xâm; xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa; thủy chung nhân hậu; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động. Mỗi truyền thống phẩm chất đạo đức ấy đều gắn liền với những tấm gương tiêu biểu về những người phụ nữ mà tên tuổi đã gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Phần 3: Những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam cần giữ gìn và phát triển trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Nội dung của phần này tập trung giới thiệu về những tiêu chí phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam cần giữ gìn, phát triển để phù hợp với yêu cầu của thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đất nước, bao gồm: Yêu nước; ý thức trách nhiệm đối với gia đình, xã hội; ý thức tiếp thu tri thức, làm chủ khoa học, công nghệ và kĩ năng nghề nghiệp; tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc sống; ý thức xây dựng lối sống văn hóa; ý thức pháp luật; phẩm chất nhân hậu, vị tha; ý thức rèn luyện sức khỏe. Mỗi tiêu chí về phẩm chất đạo đức đều được triển khai theo các ý: Khái niệm, nội dung, các giải pháp cần thực hiện.
Đây là tài liệu nguồn trong hệ thống tài liệu của Đề án, phạm vi nội dung đề cập trong tài liệu khá rộng trong khuôn khổ dung lượng của một tập tài liệu hạn hẹp, do vậy, nhóm biên soạn chỉ đặt ra mục tiêu cung cấp những thông tin chung, những vấn đề cơ bản, để các Bộ/ngành chủ trì các Tiểu Đề án có căn cứ xây dựng các bộ tài liệu nghiên cứu, tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông phù hợp với yêu cầu của ngành mình.
Trong quá trình biên soạn tài liệu, tập thể những người tổ chức thực hiện bản thảo có tham khảo, sử dụng những văn kiện, tài liệu của Đảng, Nhà nước và một số công trình nghiên cứu của các cá nhân và tổ chức đã công bố. Nhưng vì nguồn tư liệu phục vụ cho việc biên soạn có hạn, lại là một đề tài mới, có những thông tin, những hệ giá trị chưa từng được tài liệu nào đề cập đến, cần được tiếp tục tìm tòi và thử nghiệm trong thực tế.
Vì thế cuốn sách chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết. Mong bạn đọc lượng thứ và góp ý bổ sung để lần tái bản sau nội dung sách được hoàn thiện hơn.
 
Vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử (phần 1)

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trên các lĩnh vực trong các thời kỳ xây dựng và phat triển đất nước. Theo những tài liệu khảo cổ học, ở Việt Nam đã tồn tại thời kỳ Mẫu quyền khá dài trong xã hội nguyên thủy với vai trò quan trọng, quyết định của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Trong buổi bình minh của lịch sử và trong giai đoạn phát đạt của xã hội nguyên thủy, dân tộc nào cũng trải qua một thời kỳ mẫu hệ và chế độ mẫu quyền. trong đó phụ nữ làm chủ gia đình, dòng họ; phụ nữ có vai trò lớn lao trong sinh hoạt kinh tế, đời sống xã hội cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần.
Ở Việt Nam, mỗi người đều ghi nhớ chuyện Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long Quân là những người khai sáng ra lịch sử dân tộc. Mẹ đẻ ra trăm trứng trong cùng một bọc, nở thành trăm chàng trai. Mẹ và Bố lại chia đều con đi ở miền núi và miền biển, thành nhân dân miền núi và miền xuôi bây giờ. Công lao to lớn của Mẹ Âu Cơ đã được truyền tụng hàng ngàn đời nay ở vùng đất Tổ (Phú Thọ) chứng tỏ mẹ là người “mang nặng đẻ đau” và cũng là người khai sáng văn hóa dân tộc.
Theo cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng: Khi bước sang chế độ phụ quyền không phải bất cứ đâu và lúc nào cũng đều mang hình thức cổ điển, hà khắc (người phụ nữ bị truất hẳn vai trò và quyền hành xã hội, trở thành nô lệ gia đình như cách nói của Lê Nin - điển hình là Hy Lạp), nhiều xã hội chuyển sang phụ quyền dưới một hình thức “êm dịu hơn”. Theo đó, bước vào thời đại văn minh, phụ nữ nhiều nước vẫn được coi trọng và có ảnh hưởng đối với nhiều công việc, Phụ nữ Việt Nam xưa ở trong trường hợp thứ hai này. Do đó, ở Việt Nam, nếu trong thời đại nguyên thủy, phụ nữ là người chủ yếu giữ việc hái lượm, tham gia săn bắt, rồi làm nghề nông nguyên thủy, chăn nuôi, thủ công cùng với công việc trong nhà, thì đến thời đại xã hội có giai cấp, người phụ nữ vẫn là người tham gia đầy đủ vào tất cả các khâu lao động trong xã hội và gia đình. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới cổ đại, người phụ nữ chỉ còn tham gia các công việc gia đình.
Giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết đã viết: “Nếu ở hầu hết thời đại nguyên thuỷ, phụ nữ là người đứng đầu cộng đồng thân tộc của họ, thì đến thời đại xã hội có giai cấp, trong khi ở nơi này nơi khác, gia đình là do người đàn ông làm chủ nhưng ở Việt Nam, điều đó chỉ có trên danh nghĩa, còn trong thực tế, người phụ nữ vẫn là người điều khiển hầu hết công việc gia đình. Nếu ở hầu hết thời đại nguyên thuỷ, phụ nữ là người lãnh đạo và tham gia vào tất cả các hoạt động xã hội, thì đến thời đại xã hội có giai cấp, trong khi ở nơi này nơi khác, phụ nữ mất hẳn chức năng ấy, thì ở Việt Nam, đông đảo phụ nữ vẫn là những “công dân chính trị” rất độc đáo.” Đây chính là tiền đề để người phụ nữ Việt Nam cổ đại vẫn tiếp tục có những cống hiến lớn lao vào lịch sử dân tộc.
Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực cội nguồn của nền nông nghiệp lúa nước. Lịch sử đã chứng minh rằng trong quá trình phát triển của nền văn minh lúa nước, người phụ nữ luôn đóng vai trò trụ cột trong lao động sản xuất.
Tục thờ nữ thần của người Việt đã xuất hiện từ lâu đời và phát triển trải qua các thời kỳ lịch sử trên cơ sở truyền thống coi trọng vai trò của người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được xây dựng và lưu truyền từ huyền Mẹ Âu Cơ, Bố Lạc Long Quân đến việc thờ các nữ thần nông nghiệp như bà Dâu (Chùa Dâu),bà Đậu (chùa Bà Đậu); thờ các Mẫu Tam Phủ (Trời- Đất- Nước), Mẫu tứ phủ (Trời- Đất- Nước-Địa), Mẫu Tứ pháp (Mây-Mưa-Sấm-Chớp) đến các nghi lễ thờ cúng “Mẹ Lúa” của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Điều đó đã phản ánh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong nghề nông từ thời cổ đại và xuyên suốt tiến trình lịch sử cho đến ngày nay.
Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đã khẳng định: “Trên chặng đường chuyển hóa từ mẫu hệ sang phụ hệ và cả mãi về sau này nữa – xã hội Việt Nam cổ truyền đã thừa hưởng và vẫn bảo lưu một truyền thống vững chắc và tốt đẹp: đó là vai trò quan trọng của người đàn bà, người mẹ, trong gia đình, ngoài xã hội”
Từ ngàn xưa, vai trò của người Mẹ, người phụ nữ được tôn trọng, đề cao trong xã hội Việt Nam. Trong dân gian, chúng ta thấy nhân dân lao động Việt Nam vừa kính cha vừa ơn mẹ - Chữ hiếu hai vai.
"Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Người mẹ Việt Nam có tầm quyết định đối với sự phát triển của các con về nhiều mặt (thể chất, tình cảm, đạo lý làm người…). Do đó lời cửa miệng dân gian nói: “Con dại cái mang”, “Phúc đức tại mẫu”, “Cha sinh chẳng tày mẹ dưỡng”
Có khi trong xã hội Việt Nam cổ truyền người vợ được coi trọng hơn cả chồng “Lệnh ông không bằng cồng bà”.
Chính việc thực hiện vai trò to lớn đó, trong hoàn cảnh lịch sử có nhiều nét độc đáo của Việt Nam, đã hun đúc nên những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.


Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6219004