Lễ hội - Sự kiện

Lễ kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/08/1888 - 20/8/2017)

18/08/2017 05:04

Sáng ngày 18/8/2017, bảo tàng Tôn Đức Thắng đã tổ chức lễ kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/08/1888 – 20/08/2017).

Trong bài diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn, đồng chí Trần Xuân Thảo – Giám đốc bảo tàng Tôn Đức Thắng đã phát biểu những sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn mà các thế hệ chúng ta luôn phải quan tâm tìm hiểu, học tập. Đặt cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của Bác Tôn trong bối cảnh của đất nước, chúng ta mới thấy được Bác Tôn là một chứng nhân lịch sử theo suốt cuộc trường chinh vì độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc; bắt đầu từ thời kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn đến 15 năm ngục tù Côn Đảo rồi trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cuối cùng là 2 cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc …Trong cuộc đời mình, trên bất kỳ cương vị nào, là người thợ máy hay làm Chủ tịch nước, Tôn Đức Thắng cũng thể hiện nghiêm túc phẩm chất đạo đức của người cách mạng: chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ; sống bình dị, đạm bạc, thanh cao; luôn giữ lòng thanh liêm chính trực, trong sáng; không màng cao sang, tiền tài danh lợi, hết lòng vì nước, vì dân, luôn sẵn sàng hy sinh cái riêng cho cái chung, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng… Từ cuộc sống người thợ, rồi chốn lao tù đến khi giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước, Tôn Đức Thắng luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí và sẵn lòng chia sẻ những khó khăn với tất cả mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc… là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng; suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Bác Tôn đã sống, chiến đấu và cống hiến trọn một đời cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản cho Tổ quốc, cho nhân dân. Nhân cách của Bác Tôn là nhân cách người cộng sản gương mẫu, tiêu biểu cho đạo đức cách mạng, là bài học thiết thân cho các thế hệ Việt Nam về ý chí kiên cường và tinh thần đấu tranh cách mạng, về tài tổ chức, tập hợp những người cùng chí hướng, cảm hoá những kẻ lầm đường, về tinh thần đại đoàn kết: đoàn kết đồng bào, đồng chí; đoàn kết anh em, bạn bè quốc tế. Vì những cống hiến to lớn của mình, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Lê-nin “Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc” và Huân chương Lê nin. Bác Tôn cũng là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta.

Nhân dịp này, Bảo tàng tổ chức khai mạc trưng bày “15 năm tù Côn Đảo”, tái hiện lại không gian “Hầm xay lúa” ở Côn Đảo – nơi người cặp rằng Tôn Đức Thắng, bằng tình yêu thương và ý chí bất khuất đã cảm hóa và lãnh đạo những người tù cùng nhau trui rèn ý chí đấu tranh cách mạng. Trưng bày này dành một không gian tương tác để khách tham quan có thể trải nghiệm bối cảnh hầm xay lúa, bằng sự thể hiện trực quan sinh động, trưng bày sẽ góp phần giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - học sinh, sinh viên, thanh niên, công nhân thành phố. Chúng ta tự hào và nguyện noi gương, kế thừa sự nghiệp của Bác, mãi mãi xứng đáng với công lao, cống hiến của Bác đối với đất nước.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6128677