Liên đoàn - Hội thể thao

HUẤN LUYỆN BÓNG CHÀY ĐỂ NÂNG CAO SỨC KHOẺ, KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG VÀ TƯƠNG TÁC XÃ HỘI CHO TRẺ ĐẶC BIỆT

09/11/2020 10:50

     Sáng ngày 7/11/2020 tại Nhà thi đấu TDTT Hồ Xuân Hương, Quận 3, trong khuôn khổ Ngày hội Thể thao dành cho Trẻ tự kỷ năm 2020, Bóng chày cùng 3 hoạt động thể thao khác (Hockey, Bóng đá và Nhảy xa) trở thành những hoạt động thể thao chính thức được giới thiệu đến hơn 300 trẻ có khiếm khuyết về trí tuệ, hội chứng Down và tự kỷ.

     Đến dự ngày hội "đặc biệt" này, ngoài các vị lãnh đạo thể thao Thành phố, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam và Cộng đồng Thể thao Người khuyết tật Việt Nam, về phía chuyên môn Bóng chày có sự hiện diện của Ông Lý Đại Nghĩa - Chủ tịch Hội Bóng chày TP. HCM, Ông Hara Toshifumi - Chủ tịch Hiệp hội Bóng chày Việt Nhật, Ông Cao Chí Dũng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bóng chày TP.HCM và hơn 20 huấn luyện viên, tình nguyện viên Bóng chày Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia để giới thiệu, huấn luyện và trọng tài cho các nội dung tranh tài Bóng chày (ném bóng, đánh bóng, chạy gôn...) của trẻ đặc biệt tham dự hội thao.

     Các trẻ "đặc biệt" được các huấn luyện viên, tình nguyện viên giới thiệu, hướng dẫn các kỹ thuật Bóng chày cơ bản như: ném bóng về mục tiêu, đón nhận bóng, đánh bóng và chạy về gôn. Sau khi làm quen và nhuần nhuyễn các kỹ thuật cơ bản này, trẻ được tham gia một Minigames Bóng chày, bạn nào hoàn thành sẽ được nhận 1 món quà kỷ niệm là "quả bóng chày" do chính vị Chủ tịch Hiệp hội Bóng chày Việt Nhật Hara Toshifumi trao tặng.

     Được biết, bắt đầu từ học kỳ 2020 - 2021, Hội Bóng chày TP.HCM phối hợp cùng Cộng đồng Thể thao Người Khuyết tật Việt Nam, Tổ chức Ấm Áp Việt Nam và Hiệp hội Bóng chày Việt Nhật tổ chức Lớp huấn luyện Bóng chày ngoại khoá dành cho học sinh tự kỷ và khuyết tật trí tuệ vào chiều thứ 5 hàng tuần tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP.HCM. TS. Lý Đại Nghĩa - Chủ tịch Hội Bóng chày TP. HCM, ông cũng là một nhà chuyên môn can thiệp âm ngữ trị liệu trẻ tự kỷ cho biết: "Các thao tác vận động trong môn Bóng chày giúp trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ tăng cường các kỹ năng vận động tinh như cầm nắm bóng, gậy, điều khiển vận động khéo léo theo ý muốn của mình, hỗ trợ phát triển kỹ năng vận động thân trên. Bên cạnh đó, tăng cường các tố chất thể lực, cải thiện hình thể và khả năng phối hợp vận động toàn thân. Hơn thế nữa, những bài tập đồng đội trong môn Bóng chày là một trong những liệu pháp hiệu quả để can thiệp tương tác xã hội, cải thiện giao tiếp cho trẻ tự kỷ, giúp hình thành những nhóm bạn trong quá trình tập luyện, tạo niềm vui và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ tự kỷ". Lớp huấn luyện Bóng chày dành cho trẻ "đặc biệt" được tổ chức vào thứ 5 hàng tuần từ 16.00 - 17.30 tại 219 Lý Thường Kiệt, P.15, Quận 11, TPHCM (Sân Lyon), mở cửa MIỄN PHÍ cho tất cả phụ huynh và trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ. 

Ông Hara Toshifumi - Chủ tịch Hiệp hội Bóng chày Việt Nhật (quần trắng ở giữa) cùng các tình nguyện viên Bóng chày Việt Nam và Nhật Bản tham gia Ngày hội Thể thao dành cho Trẻ tự kỷ năm 2020

Trẻ “đặc biệt” đang cố gắng ném bóng sau khi được các tình nguyện viên hướng dẫn

Hội Bóng chày TP.HCM
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6040011