Thể dục thể thao cộng đồng

HÀNH TRÌNH HUẤN LUYỆN HÒA NHẬP CHO VẬN ĐỘNG VIÊN JUDO KHIẾM THỊ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

10/05/2023 04:08

Chiều 09/5/2023 tại Câu lạc bộ Judo Tinh Võ, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, các vận động viên Judo khiếm thị thuộc Đội tuyển quốc gia Para Judo chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12-2023 đã có buổi tập luyện và thi đấu giao hữu cùng các võ sinh Judo Quận 5.

Các VĐV Judo khiếm thị và các VĐV bình thường tham gia buổi huấn luyện hòa nhập

Đây là một chương trình tập huấn và thi đấu trong khuôn khổ dự án "Hành trình huấn luyện hòa nhập cho vận động viên Judo khiếm thị" nhằm nâng cao nhận thức xã hội về giá trị và năng lực của người khuyết tật do ThS. Trần Mai Thúy Hồng khởi xướng và điều phối theo chương trình FHI360 Hoa Kỳ. Trong chu kỳ huấn luyện hơn 3 tháng, các vận động viên Judo khiếm thị sẽ được tập luyện hoà nhập cùng những vận động viên bình thường tại các câu lạc bộ Judo khắp Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của dự án này không chỉ nâng cao nhận thức xã hội về giá trị và năng lực của người khuyết tật, mà còn trang bị kiến thức, kỹ năng huấn luyện Judo người khiếm thị cho đội ngũ huấn luyện viên cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đã có 94 người tình nguyện tham gia dự án này gồm: các vận động viên Judo khiếm thị, các vận động viên Judo bình thường và các huấn luyện viên tình nguyện.

HLV Trần Mai Thuý Hồng giảng dạy về đặc điểm vận động của người khiếm thị trong tập luyện và thi đấu TDTT

Thực tiễn cho thấy, mặc dù các vận động viên Judo khiếm thị đã được tập luyện và thi đấu tại Việt Nam từ năm 2004 và đã giành được nhiều huy chương tại các Đại hội ASEAN Para Games, FESPIC Games và tham gia cả Thế vận hội Paralympic Bắc Kinh, nhưng nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với họ ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều người chưa nhận thức hoặc không hiểu rõ những nỗ lực và thành tích đáng kể của những người khuyết tật trong hoạt động thể thao. Trong gần 20 năm qua, các vận động viên Judo khiếm thị nói riêng và thể thao người khuyết tật nói chung đã duy trì một cách lặng lẽ và tách biệt, mà không có bất kỳ chương trình đào tạo thể thao kết hợp hoà nhập nào được triển khai cho họ.

Thi đấu đối kháng giao hữu giữa VĐV khiếm thị và VĐV bình thường

Trước đó, chiều ngày 05/5/2023 tại Câu lạc bộ Judo Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, các vận động viên Judo khiếm thị cũng đã có buổi tập luyện và thi đấu giao hữu cùng các vận động viên Tuyển Judo Quận 1.

ThS. Trần Mai Thúy Hồng chia sẻ:  "Qua các buổi tập "hoà nhập" này, các vận động viên Judo khiếm thị có cơ hội giao lưu tập luyện và thi đấu với các vận động viên bình thường nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, thể lực, sự tự tin và tinh thần thể thao cao thượng. Ngược lại, các vận động viên bình thường ở những buổi tập đầu còn e dè, e ngại gây tổn thương cho các vận động viên khiếm thị trong vận động đối kháng, tập đối luyện và thi đấu, nhưng qua các buổi tập đã thay đổi nhận thức để hiểu rằng người khiếm thị hoàn toàn có năng lực vận động, trình độ chuyên môn thể thao như bất cứ người bình thường nào, đặc biệt ở môn Judo là môn võ thuật đòi hỏi yếu tố phản xạ xúc giác rất cao nên rất phù hợp để người khiếm thị tập luyện đạt trình độ cao".

Các VĐV bình thường được bịt mắt trong tập luyện và thi đấu để cảm nhận sự khó khăn của người khiếm thị

 

Dự án sẽ tiếp tục kéo dài hành trình đặc biệt này đến hết tháng 8/2023, đồng thời sẽ triển khai một cuộc khảo sát cho các thành viên tham gia để xác định sự thay đổi trong nhận thức của họ về khả năng của những người khuyết tật trong hoạt động tập luyện và thi đấu thể dục thể thao. Ngoài ra, dự án sẽ đào tạo một đội ngũ huấn luyện viên Judo cho người khiếm thị và thúc đẩy các chương trình đào tạo kết hợp hoà nhập cho người khiếm thị tại các câu lạc bộ Judo.

Gia Huân
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6159208