Điện ảnh

Chơi vơi trong Chơi vơi

03/11/2009 03:15

Sau thời gian tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế và nhận được những lời tán dương của khán giả nước ngoài, ngày 1-11, bộ phim Chơi vơi (Hãng phim Truyện I và Acrobates Film hợp tác sản xuất, kịch bản: Phan Đăng Di, đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên) đã có buổi chiếu ra mắt khán giả và báo giới tại TPHCM.

Ngay từ khi mở màn, Chơi vơi đã cho người xem một cảm nhận không thật trong diễn biến tâm sinh lý cũng như hành động của các nhân vật. Đầu tiên là Hải, một chàng trai trẻ, cưới cô vợ xinh đẹp - Duyên - bằng tình yêu, ấy thế mà suốt từ đầu đến cuối phim, người xem không hề cảm nhận được chút tình cảm nồng nàn nào của Hải dành cho vợ: nói chuyện xưng hô trống không, một cái nắm tay âu yếm cũng không có, thậm chí Hải còn “kiêng cữ” chuyện chăn gối với vợ chỉ vì trót hứa sẽ không đem đến xui xẻo cho một người bạn trong cuộc đỏ đen!

Nhân vật Vy- người tình của Thổ- cũng lạ lùng không kém. Cái chết của cô khiến người xem chưng hửng vì trước đó không có một tình tiết cao trào nào cho thấy Vy tuyệt vọng trong mối tình câm với Thổ đến mức phải chọn giải pháp tự tử.

Phần Thổ, trước cái chết của người tình, người xem cũng không thấy ở anh bất cứ trạng thái biểu cảm nào trên nét mặt.

Mối quan hệ vụng trộm, đầy dục vọng giữa Duyên và Thổ cũng chỉ được diễn tả rất “chừng mực” qua vài ba cảnh: Thổ đè Duyên ra giữa nhà mơn trớn trong lần đầu gặp gỡ, Thổ dùng dao rạch chiếc váy Duyên đang mặc và gục đầu vào ngực Duyên khi cả hai đứng trên cầu thang tối.

Tóm lại, mọi tình tiết đều ở trạng thái lửng lơ, lưng chừng không được đẩy đến tận cùng, cao trào để làm cho người xem cảm thấy thỏa mãn, thuyết phục. Các nhân vật hành động, nói năng tự nhiên theo ý họ, mặc kệ khán giả muốn hiểu sao thì hiểu.

Rất ít những góc quay cận cảnh lột tả tâm lý nhân vật. Nhịp phim diễn tiến chậm chạp, uể oải, tình tiết rời rạc, lời thoại không có gì đặc sắc.

Dù thế, phải thừa nhận cảm xúc mà bộ phim mang lại rất mạnh, dù thích hay không thích thì sau khi rời rạp, người xem cũng không thoát khỏi cảm giác chơi vơi lạc lõng với những cung bậc tình cảm rối rắm của các nhân vật và đó cũng chính là mục đích mà người làm phim muốn hướng tới: “Không nên hiểu mà chỉ nên cảm nhận”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên phát biểu như thế sau buổi ra mắt.

Và nếu gạt sang một bên cách kể chuyện khó hiểu của đạo diễn, Chơi vơi là một tác phẩm điện ảnh có cái để xem, nhất là khi bộ phim toát lên được một hình ảnh VN rất riêng với những con người, bối cảnh, phong tục tập quán đặc trưng.

Có lẽ chính điều này đã khiến Chơi vơi chinh phục khán giả nước ngoài. Không gian VN trong phim hiển hiện trong mắt người xem không thể lẫn vào đâu được qua hình ảnh những ngôi nhà cũ xập xệ, chật chội nằm sâu trong những con hẻm nhỏ ở Hà Nội; những con đường bất chợt “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” sau cơn mưa; những đồ vật bằng gỗ nâu thâm trầm trong gian nhà cổ của Cầm hay hình ảnh Duyên gội đầu cho Cầm bằng nước chanh; Duyên và Cầm ngồi bên nhau bên chiếc nồi xông hơi...

Góp phần tạo nên nét khác lạ còn phải kể đến phần âm nhạc của Hoàng Ngọc Đại. Những giai điệu trúc trắc, hoang dại của ông tạo nên một không gian ẩn ức, cộng hưởng vào dư âm đầy khó hiểu của bộ phim. Có thể nói nhạc trong Chơi vơi không nhiều nhưng mỗi khi cất lời là đủ khiến người xem xúc cảm.

Những ai từng hâm mộ Bùi Thạc Chuyên qua bộ phim Sống trong sợ hãi chắc chắn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi xem Chơi vơi bởi chuyện phim không dễ dàng được “tiêu hóa” với số đông khán giả mà chỉ dành cho số ít những ai thích sự chiêm nghiệm.

Cinet
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6158849