Bảo tàng bảo tồn

TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “DU XUÂN - CỔ NGOẠN” TẠI BẢO TÀNG THÀNH PHỐ HỒ HỒ CHÍ MINH

17/01/2024 03:27

Chào mừng Xuân Giáp Thìn - 2024, sáng ngày 16 tháng 01 năm 2024, tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Cổ vật Thành phố phối hợp với Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Du xuân - Cổ ngoạn”.

Ông Huỳnh Thành Lập, Nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Thành phố Hồ Chí Minh; Bà Lê Tú Cẩm, Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thành phố cùng lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao qua các thời kỳ, lãnh đạo các đơn vị, phòng ban Sở Văn hóa và Thể thao đến tham dự lễ khai mạc.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bà Đoàn Thị Trang - Phó Giám đốc phụ trách
Bảo tàng cho biết trưng bày chuyên đề có trên 150 hiện vật đa dạng về thể loại, chất liệu… được chọn lọc từ những sưu tập tiêu biểu của Bảo tàng Thành phố
Hồ Chí Minh, một số nhà sưu tầm cổ vật, các thành viên của Hội Cổ vật
Thành phố. Những hiện vật trưng bày chuyên đề phản ánh lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, thể hiện giao lưu văn hóa giữa các dân tộc và giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, đồng thời phản ánh nỗ lực của Bảo tàng Thành phố cũng như Hội Cổ vật Thành phố trong việc sưu tầm, gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa chứa đựng trong từng cổ vật.

Nội dung trưng bày gồm 4 phần:

  • Phần 1 Sưu tập ấn, tín ký:  giới thiệu khách tham quan bộ sưu tập ấn, tín
    ký quý hiếm, mang giá trị lịch sử cao, tiêu biểu là những chiếc ấn có niên đại từ thời Lê - Mạc đến thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Bên cạnh đó là những ấn,
    tín ký của các quan lại thay mặt triều đình nhà Nguyễn cai quản, xác lập trật tự, kỷ cương, mở rộng khai phá và phát triển vùng đất Nam Bộ, nhất là ở vùng đất Sài Gòn - Gia Định.
  • Phần 2 Sưu tập tượng thờ dân gian Nam Bộ: gồm những hiện vật gốc,
    quý hiếm của Bảo tàng và các nhà sưu tập, có giá trị lịch sử, phản ánh đời sống tín ngưỡng của cư dân cùng cộng cư tại vùng đất Nam Bộ.
  • Phần 3 Sưu tập gốm Việt Nam (thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn): bao gồm những hiện vật tiêu biểu minh chứng cho sự phát triển của nghề gốm Việt Nam qua các thời kỳ, không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị thẩm mỹ cao; góp phần giới thiệu về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam, cũng như sự phát triển của nghề gốm đến đông đảo công chúng.
  • Phần 4 Sưu tập sứ ký kiểu và pháp lam thời nhà Nguyễn: hiện vật gồm
    đồ sứ ký kiểu, pháp lam thời nhà Nguyễn với màu sắc, hoa văn trang trí đặc sắc, đáp ứng sở thích, thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu sử dụng của người Việt.

Trong dịp này, Bảo tàng Thành phố trao tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân, hội viên Hội Cổ vật đã hiến tặng các cổ vật cho bảo tàng.

Trưng bày chuyên đề “Du xuân - Cổ ngoạn” mở cửa đón khách tham quan từ ngày 16 tháng 01 năm 2024 đến ngày 16 tháng 4 năm 2024./.

Một số hình ảnh của buổi lễ:

Hình 1: Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày
chuyên đề “Du xuân - Cổ ngoạn”

Hình 2: Không gian trưng bày chuyên đề “Du xuân - Cổ ngoạn”

 

Hình 3: Các nhà sưu tập tư nhân hiến tặng cổ vật cho Bảo tàng
Thành phố Hồ Chí Minh

Hình 4: Cổ vật trong chuyên đề “Du xuân - Cổ ngoạn”

Hình 5: Học sinh tham quan học tập, trải nghiệm
tại chuyên đề “Du xuân - Cổ ngoạn”

Huỳnh Minh Khang
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6204989