Văn học

Giáo sư văn học - Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ: Nhà lý luận, phê bình tài hoa, nhà giáo mẫu mực

29/10/2009 04:15

GS- NGND Lê Đình Kỵ có tên trong Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1968. BCH Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng viết về ông trong cuốn Nhà văn hiện đại: Giáo sư văn học Lê Đình Kỵ sinh ngày 4 tháng 4 năm 1923 tại Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) đợt I năm 2001.

Như biết bao thanh niên trí thức yêu nước, tuổi trẻ GS Lê Đình Kỵ có những giai đoạn gắn liền với dòng chảy cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ông đã từng là nhà giáo giảng dạy tại quê nhà trước khi tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên trước Cách mạng Tháng Tám. Sau đó, từ năm 1949 đến 1951, ông là Tiểu đoàn phó Quân báo Liên khu V.

Sứ mệnh người thầy khiến người lính Lê Đình Kỵ liên tục đứng trên bục giảng từ năm 1951 đến năm 1990 qua những mái trường: Trung học Lê Khiết (Liên khu V); cấp III Nguyễn Trãi - Hà Nội; GS văn học Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Chặng đường mấy chục năm làm người "chở đò", nhà giáo Lê Đình Kỵ đã dành hơn 20 năm để "tải" đạo văn chương, đạo làm người cho biết bao thế hệ học trò trên mảnh đất Thủ đô văn hiến.

Điều đáng nói nhất là người thầy ấy đã luôn đặt bước chân mình trên con đường của sự học không ngừng nghỉ. GS-NGND Hà Minh Đức (Ủy viên Hội đồng LLPB VHNT TƯ) chia sẻ với Hànộimới: "GS Lê Đình Kỵ là một tấm gương về tinh thần tự học. Từ một giáo viên cấp III, ông đã phấn đấu trở thành một nhà nghiên cứu có trình độ sâu sắc. Cùng với vốn tiếng Pháp, ông tự học tiếng Nga và đọc được các sách LLPB văn học của Nga; tiếp cận kịp thời những thông tin về LLPB hợp với thời cuộc".

Thành quả của sự học đó là các công trình ý nghĩa: "Đường vào thơ" (1968); "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du" (1970); "Thơ Tố Hữu" (1979); "Tìm hiểu văn học" (1980); "Thơ mới, những bước thăng trầm" (1988); "Trên đường văn học" (2 tập, 1995); "Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam" (1998); "Phê bình nghiên cứu văn học" (1999). Trong đó, hai công trình "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du" và "Đường vào thơ" được giới nghiên cứu hết sức chú ý. GS Hà Minh Đức coi đó là "những trang văn đẹp, sâu sắc, giàu có về tri thức; văn phong uyển chuyển, độc đáo".

PGS-TS Phan Trọng Thưởng, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam (UV Hội đồng LLPB VHNT TƯ) khẳng định: "GS Lê Đình Kỵ là một trong những GS đầu ngành của ta về lý luận văn học. Ngay khi về khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội, ông đã tham gia biên soạn các tài liệu, giáo trình phục vụ cho giảng dạy lý luận văn học, trong đó có cuốn "Các phương pháp nghệ thuật". Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh ta đang đặt nền móng cho một nền lý luận văn học và mỹ học Mác-Lênin. Nhiều công trình sau này của GS Lê Đình Kỵ đã thể hiện rõ sự hội tụ những phẩm chất, tư cách của một nhà lý luận mực thước, một nhà phê bình tài hoa, một nhà giáo mẫu mực". Nhiều thế hệ học trò, bạn đọc, đồng nghiệp còn nhắc tới ông với hình ảnh một người khiêm nhường, nhân văn trong đời sống.

GS Lê Đình Kỵ nhận được nhiều phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước ta trao tặng. Đó là sự khẳng định cho những đóng góp rất chân thành, tâm huyết của ông cho đất nước, cho nhân dân. Những lời chia sẻ của GS-NGND Hà Minh Đức, người đã nhiều năm công tác với GS Lê Đình Kỵ cũng là lời cuối để thắp lên nén tâm nhang vĩnh biệt ông: "Tôi rất tiếc là ông lâm bệnh sớm nên đã không có thời gian tiếp tục cống hiến. Nhưng cuộc đời và những tác phẩm ông để lại mãi là tấm gương cho thế hệ sau học tập".

Hà Nội mới
Tags:
Tin mới hơn
Thống kê
Tổng số lượt truy cập: 6297485